Giáo dục nghề nghiệp: Tín hiệu vui từ công tác tuyển sinh
Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án gắn đào tạo với thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua việc trao đổi ký kết các văn bản hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, các hiệp hội, tập đoàn… Kết quả đã cho thấy những chuyển động tích cực trong thời gian qua.
Nghề công nghệ ô tô hiện nay thu hút nhiều bạn trẻ đăng ký học
Tuyển sinh đạt 142% so với cùng kỳ năm trước
Theo số liệu thông kê của Tổng Cục GDNN, hiện cả nước hiện có 1.954 cơ sở GDNN, trong đó có 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm GDNN. Có 520 huyện của 53 tỉnh thực hiện sáp nhập các trung tâm cấp huyện theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015, giảm được 329 trung tâm công lập cấp huyện. Cũng trong 6 tháng đầu năm, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng GDNN, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2018 theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; lấy người học làm chủ và đặt hàng chỉ tiêu đào tạo theo sản phẩm đầu ra; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước thực hiện tuyển sinh 6 tháng đầu năm đạt 1.058 nghìn người, đạt 48% kế hoạch năm, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 108 nghìn người, đạt 20% kế hoạch; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 950 nghìn người, đạt 57% kế hoạch.
Trong 6 tháng cuối năm 2018, ngành sẽ tập trung hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập thuộc bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường lao động, thực hiện tự do chuyển dịch lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu lao động trên thị trường. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Thực hiện hiệu quả chương trình đề án, chính sách về giải quyết việc làm, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động.
Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy GDNN
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành đã hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP. Thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án GDNN, tiếp tục các giải pháp thúc đẩy đào tạo gắn với doanh nghiệp, tổ chức làm việc với một số doanh nghiệp, hiệp hội như: Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, Hiệp hội Siêu thị… để phối hợp tổ chức đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp; tìm kiếm giải pháp để cơ sở GDNN gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo.Tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018 tại Hà Nội; ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty Điện tử Samsung Việt Nam và Trung tâm đào tạo kỹ năngSamsung Hàn Quốc về hợp tác chương trình huấn luyện kỹ năng và hỗ trợ đại diện của Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tiến hành đàm phán và ký 03 Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các lĩnh vực GDNN, lao động, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội nhân các chuyến thăm của các đoàn cấp cao như: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia về hợp tác trong lĩnh vực GDNN; Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và An sinh xã hội Cuba.
Mới đây nhất, ngày 13/7/2018, Thứ trưởng Lê Quân đã ký công văn 2817/LĐTBXH-TCGDNN về việc khuyến khích đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo đó, nhằm tăng cường tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp đối với học sinh trung học cơ sở, để cơ hội thuận lợi cho người học, đẩy mạnh định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các trường trung cấp, cao đẳng (các trường): Nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình đào tạo cao đẳng 9+). Việc này phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Người học sẽ được nhận bằng trung cấp, học liên thông lên nhận bằng cao đẳng cùng ngành, nghề. Chương trình được thiết kế tổng thể, đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học. Chương trình đào tạo trung cấp được tăng cường đào tạo kiến thức văn hóa trung học phổ thông, theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo học sinh đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng.Thời gian thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định, đảm bảo chất lượng, giảm tải cho người học. Chương trình được thiết kế có tính liên thông chặt chẽ, thiết kế theo từng giai đoạn. Sau mỗi giai đoạn, tùy theo điều kiện của mình, học sinh có thể tiếp tục học lên các giai đoạn tiếp theo, hoặc có thể dừng học tham gia vào thị trường lao động. Các trường thông tin đầy đủ cho phụ huynh và học sinh về chương trình đào tạo khi tuyển sinh, công khai thông tin trên website của trường. Các trường chỉ tuyển sinh với các nghề đã đăng ký hoạt động, rà soát và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đề nghị các trường không đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đang theo học tại các trường trung học phổ thông.
PHƯƠNG MINH