Học sinh đã “thực tế hơn”
Cập nhật ngày: 10/04/2019 – 06:04
BTN – “Nhiều em học sinh đã thay đổi nếp nghĩ phấn đấu vào cho được đại học, không biết ra trường có tìm được việc làm hay không. Do đó, các em đã có những lựa chọn thực tế hơn”- đại diện Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết.
Thí sinh Tây Ninh dự thi THPT quốc gia năm 2017.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT, bên cạnh việc dạy theo phân phối chương trình, nhiều trường THPT trong tỉnh đã và đang tổ chức cho học sinh lớp 12 ôn thi. Việc đăng ký hồ sơ dự thi cũng đang được thực hiện. Thông tin ban đầu từ một số trường cho thấy, nhiều học sinh không có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng.
Lãnh đạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, đầu tháng 4, nhà trường bắt đầu tăng tốc ôn thi, gia cố kiến thức cho 400 học sinh lớp 12. Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và tiếng Anh, nhà trường cho học sinh ôn thi theo tổ hợp đăng ký. Theo thống kê ban đầu, tỷ lệ học sinh đăng ký ôn thi theo tổ hợp môn Khoa học xã hội khoảng 60%, còn lại là tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. “Buổi sáng, nhà trường dạy bình thường theo kế hoạch, phân phối chương trình, việc ôn thi được tổ chức buổi chiều, học sinh đăng ký tổ hợp nào thì bồi dưỡng theo tổ hợp đó”- lãnh đạo trường thông tin.
Theo đại diện Trường THPT Trần Đại Nghĩa, việc chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi của học sinh lớp 12 cũng ít nhiều phải “chiều ý phụ huynh”, con muốn thi vào trường này nhưng cha mẹ lại “định hướng” đi học trường khác. Ví dụ, khi tổ chức cho học sinh đăng ký lựa chọn tổ hợp các môn thi, một số em bộc lộ nguyện vọng muốn học ngành sư phạm nhưng cuối cùng lại đăng ký tổ hợp môn thi khác để sau này tham gia xét tuyển vào trường khác, không học sư phạm, vì cha mẹ không ủng hộ.
Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đại diện trường cho biết, từ tháng 3, nhà trường tổ chức cho học ôn thi. Trước khi học sinh đăng ký hồ sơ dự thi, trường đã chủ động cho học sinh ôn thi theo tổ hợp môn thi, ngoài ba môn bắt buộc. Tại trường này, đến thời điểm hiện tại, trong số 114 học sinh khối 12, khoảng 80 trường hợp đăng ký dự thi tổ hợp môn Khoa học xã hội.
“Hiện tại, không có trường hợp nào đăng ký dự thi cả hai tổ hợp môn thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, nhưng việc thay đổi tổ hợp môn thi thì có”- lãnh đạo nhà trường cho biết. Vẫn theo ý kiến của đại diện nhà trường: “Học sinh vùng nông thôn, biên giới học lực cũng chừng mực, kết quả thống kê nhiều năm qua cho thấy, đa số học sinh của nhà trường đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng hình thức xét tuyển”.
Về tâm tư, nguyện vọng của học sinh, cách nay chưa lâu, nhà trường tổ chức buổi đối thoại, trao đổi với học sinh cuối cấp, nhiều học sinh mạnh dạn bày tỏ rằng, khối lượng kiến thức của chương trình phổ thông còn nặng, có em nói “học nhiều quá”. Tuy nhiên, thầy cô, cán bộ quản lý nhà trường cũng phân tích cho các em thấy, lớp 12 là năm cuối cấp phổ thông, chuẩn bị giai đoạn vào học giáo dục chuyên nghiệp, đại học nên phải tập trung học, không có cách nào khác.
Tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, nhà trường thống nhất kế hoạch với cha mẹ học sinh để tổ chức ôn thi cho học sinh. Cho đến thời điểm này, chương trình lớp 12 cơ bản đã xong, nhà trường đang tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Qua tiếp xúc, trực tiếp dạy, giáo viên, cán bộ quản lý nhận thấy, các em có đôi điều băn khoăn.
Thứ nhất, việc thay đổi tỷ lệ điểm xét công nhận tốt nghiệp từ 50% điểm trung bình của năm học lớp 12 còn 30% được công bố hơi chậm (mãi đến tháng 2.2019, Bộ GD-ĐT mới công bố sự điều chỉnh này). “Học sinh có chút lo lắng về sự thay đổi này”- lãnh đạo nhà trường cho biết. Điều thứ hai, liên quan đến chọn nghề, một số em học sinh của nhà trường nói với thầy cô rằng, các em chỉ thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, không đăng ký vào đại học.
“Có nhiều em học sinh cho biết, sau tốt nghiệp phổ thông sẽ đăng ký học trung cấp, cao đẳng nghề để mong sớm tìm được việc làm. Số liệu cụ thể thì chưa có, vì nhà trường đang nhập liệu nhưng hầu như lớp nào cũng có học sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học, kể cả những lớp được coi là “mũi nhọn” của trường. Cũng có em hơi buồn vì hoàn cảnh gia đình, học đại học tốn kém, Song chính điều đó cho thấy các em đang dần trở nên thực tế hơn, học gì cũng tốt, miễn là có việc làm, lại còn góp phần cho phân luồng sau giai đoạn phổ thông”- đại diện nhà trường nhìn nhận.
Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Ngoài việc thực hiện các bước, quy trình theo quy định của Bộ, Sở GD-ĐT, nhà trường căn cứ tình hình cụ thể của cơ sở để phân loại học sinh, qua đó phân công giáo viên có trách nhiệm, có tay nghề để bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp”.
Tại trường này, buổi sáng, tổ chức dạy học theo chương trình, việc ôn tập, bồi dưỡng, củng cố kiến thức được tổ chức vào buổi chiều. Năm học này, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi có 7 lớp, 280 học sinh, hiện tại, các em học sinh đang đăng ký hồ sơ dự thi. Đến nay, chưa có số liệu đăng ký tổ hợp các môn thi, vì đến 20.4 mới hết hạn.
Nói về chuyện chọn ngành nghề của học sinh, lãnh đạo trường này cho biết, trong mấy kỳ thi gần đây, khoảng 70% học sinh có nguyện vọng tiếp tục học đại học, cao đẳng. Khoảng 30% học sinh còn lại dừng con đường học vấn để đi làm trong các xí nghiệp, nhà máy, công ty trên địa bàn, trong đó có nhiều em làm trong Khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời.
“Nhiều em học sinh đã thay đổi nếp nghĩ phấn đấu vào cho được đại học, không biết ra trường có tìm được việc làm hay không. Do đó, các em đã có những lựa chọn thực tế hơn”- đại diện nhà trường cho biết.
Liên quan đến quy chế thi THPT, việc điều chỉnh tỷ lệ điểm trung bình của năm lớp 12 tham gia xét tốt nghiệp từ 50% xuống còn 30% cũng khiến cho thầy trò băn khoăn. “Tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, nhà trường không ghi nhận được ý kiến nào của học sinh nói rằng chương trình nặng. Tuy vậy, các em cũng bày tỏ sự băn khoăn vì quy chế thi được điều chỉnh, ví dụ quy định học loại giỏi mới được xét tuyển y khoa, sư phạm, có em muốn trở thành giáo viên, y, bác sĩ nhưng học lực không đạt theo yêu cầu”.
2019 là năm thứ 5 kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức trong toàn quốc với mục đích cung cấp dữ liệu, cơ sở cho các trường trung cấp, cao đẳng, đại học tuyển sinh. Cho đến nay, kỳ thi này vẫn đang gây tranh cãi, vì ngoài những ưu điểm không thể phủ nhận, gần như ai cũng nhìn thấy thì kỳ thi THPT quốc gia cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Trong đó, tính khách quan, khoa học và đặc biệt là sự công bằng của kỳ thi này đã và đang bị thách thức nghiêm trọng. Một số giáo viên đang dạy lớp 12 tại Tây Ninh cho biết, trong một số bài kiểm tra định kỳ của các môn khoa học xã hội, nhiều em học sinh đã viết vào trong bài làm của mình bằng cách đặt câu hỏi, tại sao những gian lận trong thi cử lại xảy ra một cách “trắng trợn” như vậy?
Tin cùng chuyên mục
- THÔNG BÁO TUYỂN SINH, MỜI NHẬP HỌC 2024
- THÔNG TIN CÔNG KHAI CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
- THÔNG BÁO LỊCH HỌC TẬP ĐẦU KHÓA DÀNH CHO HỌC SINH, SINH VIÊN HIAST KHÓA TUYỂN ĐỢT 1, NĂM 2023 – CHÍNH THỨC HỌC TẬP TỪ 11/9/2023
- Học bổng Tiếp sức đến trường – dành cho Tân sinh viên HIAST năm 2023
- Mời các bạn sinh viên, học sinh HIAST tham gia cuộc thi nhảy cover clip “Tuổi trẻ phòng chống Sốt xuất huyết” năm 2023