TTO – Là ngành xương sống của nền kinh tế, nhưng thực trạng nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu của ngành logistcis VN đang là thách thức không nhỏ nếu muốn kéo mục tiêu chi phí logistics xuống còn 14% GDP, thay cho mức 16,4-16,8% GDP như hiện nay.
Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics và xu hướng tại VN” do tổ chức Australian Aid, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics VN (VLA) tổ chức ngày 16-5, ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch VLA, cho biết đến năm 2030, ngành logistics Việt Nam dự kiến sẽ thiếu đến 2 triệu lao động phục vụ cho ngành.
“Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực logistics rất cao, tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về cả chất lượng và số lượng. Xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và các trường dạy nghề”, ông Hiệp bày tỏ quan điểm.
Theo ông Hiệp, do xuất phát điểm phát triển chậm so với các nước trong khu vực, nguồn nhân lực của ngành logistics Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp tự đào tạo, trong khi các chương trình đào tạo chính quy chỉ mới thực hiện vài năm gần đây, đã dẫn đến việc không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nóng của ngành, ước trên 10%/năm.
Đặc biệt, quy mô nhân lực của các doanh nghiệp logistics trong nước cũng đáng e ngại.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó chủ tịch VLA, cho hay khả năng đáp ứng nhu cầu năng lực cho ngành logistics hiện chỉ khoảng 10%, và đề xuất “chính sách nhà nước cần hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn lực cho ngành”.
Theo các diễn giả tham gia diễn đàn, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực và đầu tư vào phát triển kỹ năng, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực.
Một trong những nguyên nhân chính là các kỹ năng được đào tạo không gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.
Còn ông Trần Ngọc Liêm, phó giám đốc VCCI – TP.HCM nhận định một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động.
Báo cáo PCI năm 2018 của VCCI cho thấy 29% doanh nghiệp FDI khi đánh giá chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động nói “đáp ứng được”, nhưng có đến 67% doanh nghiệp cho rằng chỉ “đáp ứng được một phần nhu cầu”. 74% doanh nghiệp cho biết khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật, 84% khó tuyển được vị trí giám sát…