Trước khi ký tuyên bố chung giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình bang Thüringen, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thủ hiến bang Thüringen – ông Bodo Ramelow đã có cuộc hội đàm trao đổi thông tin và tình hình hợp tác giữa hai bên.
Hội đàm trao đổi thông tin và tình hình hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình bang Thüringen, Cộng hòa Liên bang Đức
Trao đổi tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Đức là quan hệ đối tác chiến lược. Phía CHLB Đức từ lâu đã hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ LĐ-TBXH Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, mà còn ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác như dự án Đánh giá tác động của tăng trưởng xanh, các dự án luật v.v…
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Bộ LĐ-TBXH đối với Đoàn, Thủ hiến bang Thüringen – ông Bodo Ramelow cho biết, với diện tích tự nhiên là 16.000 km² và dân số khoảng 2,2 triệu người, sau 30 năm thực hiện cải cách và chuyển đổi, bang Thüringen đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù không tập trung nhiều tập đoàn lớn của Đức nhưng bang Thüringen có thế mạnh về các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả, năng động, có vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp của Đức. Đặc biệt, tỉ lệ lao động ở bang có việc làm rất cao. Bang có hệ thống đào tạo nghề tốt – đào tạo song hành với thực hành tại các cơ sở sản xuất. Do đó, bang Thüringen mong muốn được tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Lê Quân và Bộ trưởng Bộ Lao động, Xã hội và Y tế, Phụ nữ và Gia đình bang Thüringen, Cộng hòa Liên bang Đức – bà Heike Werner ký tuyên bố chung giữa 2 Bộ
Theo ông Bodo Ramelow, nền kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ như hiện nay cũng dựa vào một hệ thống đào tạo nghề “Kép”. Hệ thống đào tạo nghề “Kép” là hình thức học lý thuyết và kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 – 3,5 năm, tùy theo nghề học. Nhà nước chỉ đưa ra điều kiện khung còn các doanh nghiệp phải đưa ra hình thức đào tạo, phương thức hoạt động cho một sản phẩm cụ thể.
“Việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam không phải là con đường 1 chiều mà chúng tôi muốn đưa lại ấn tượng tốt với thanh niên Việt Nam khi sang đào tạo tại bang Thüringen. Học viên Việt Nam đào tạo tại Đức sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh sống và học tập. Khi họ có trong tay trình độ, chuyên môn thì họ chính là những người sẽ cùng xây đắp tình hữu nghị giữa hai bên. Ngược lại, các doanh nghiệp của bang Thüringen rất quan tâm và mong muốn tìm hiểu, đầu tư hoạt động tại Việt Nam qua đó cụ thể hóa và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức” – ông Bodo Ramelow nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung bắt tay Thủ hiến bang Thüringen, Cộng hòa Liên bang Đức – ông Bodo Ramelow tại buổi Lễ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn những nội dung chia sẻ của Thủ hiến bang Thüringen, đồng thời cho biết riêng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hiện Việt Nam đã nhập của Đức 34 bộ giáo trình cho 22 nghề trọng điểm và sẽ được triển khai tại 40 trường nghề theo mô hình đào tạo kép. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH cũng đã đào tạo 4 khóa về đưa điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức; Tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề giữa hai nước v.v…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tiềm năng lao động của Việt Nam rất lớn, các nước đều đánh giá lao động Việt Nam chăm chỉ, cần cù, thông minh. Bên cạnh đó, nhu cầu về đào tạo nghề, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam hiện tại rất lớn nhờ lực lượng dân số trẻ, số lượng lao động dồi dào trong khi việc đào tạo chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN và Đức, nơi có hệ thống đào tạo nghề tốt đã được kiểm chứng, có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực này.