Với thời lượng học chỉ có 45 phút/tiết/tuần và rất ít các trung tâm tổ chức luyện thi, vậy làm thế nào để đạt điểm cao môn giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới?
Trước hết các em cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Hiện tại, môn giáo dục công dân gần như không có sự đánh đố quá cao nên học sinh (HS) chỉ cần nắm vững tất cả các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa lớp 10, 11 và 12 là có thể làm tốt được bài thi. Bởi trong đề thi THPT minh họa, kiến thức sách giáo khoa chiếm 70%, kiến thức liên hệ thực tế chiếm 30%.
Phương pháp học hợp lý
Tiếp theo, hiểu rõ và phân biệt được các thuật ngữ đặc thù, các “từ khóa” của từng nội dung để làm căn cứ chọn phương án trả lời đúng nhất. Ví dụ như khi đề cập đến các hình thức thực hiện pháp luật HS cần phân biệt: Sử dụng pháp luật (công dân thực hiện quyền – được làm), thi hành pháp luật (công dân thực hiện nghĩa vụ – phải làm), tuân thủ pháp luật (công dân không làm điều pháp luật cấm), từ đó HS dễ dàng nhận ra đáp án đúng.
Chương trình Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao
Để giúp HS có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như đạt kết quả cao nhất khi tham gia xét tuyển ĐH, CĐ, Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao năm 2021. Chương trình được phát vào các khung giờ cố định 18 giờ 30 và 20 giờ 30 từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần trên các kênh thông tin thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Hãy hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy vì đây được xem là phương pháp học tập đơn giản nhưng khoa học, có hệ thống và mang lại hiệu quả cao, giúp HS nắm vững và khắc sâu kiến thức cơ bản.
Thường xuyên luyện tập trắc nghiệm để củng cố kiến thức đã học, có thể làm theo từng bài hoặc theo chủ đề.
HS cũng đừng quên chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng để vận dụng giải quyết các câu hỏi tình huống mang tính thực tiễn.
Kỹ năng tìm từ khóa
Ngay khi HS tập làm quen với các đề thi thử, đề minh họa, tham khảo thì cũng nên áp dụng những kỹ năng làm bài cần thiết.
Trước hết phải đọc kỹ câu hỏi để xác định “từ khóa”. Thường thì từ khóa này sẽ in đậm, nếu không in đậm HS phải tìm và gạch chân, từ đó các em định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ khóa ấy.
Ví dụ khi đọc câu hỏi “Vi phạm dân sự là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến các quan hệ: A. tài sản và lao động. B. nhân thân và hợp đồng. C. lao động và công vụ nhà nước. D. tài sản và nhân thân”, từ khóa của câu hỏi là dân sự, HS dễ dàng loại trừ các trường hợp vi phạm hình sự, vi phạm hành chính và vi phạm kỷ luật, sau đó tập trung nhớ lại kiến thức đã học về vi phạm dân sự là hành vi vi phạm đến hai mối quan hệ: nhân thân và tài sản (đáp án D).
Hãy tuân thủ quy tắc “dễ trước khó sau”. Sau khi nhận đề, HS cần đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào thuộc mức độ nhận biết thì nên khoanh ngay vào đáp án trong phiếu trả lời. Sau đó tiếp tục chọn làm những câu hỏi ở mức thông hiểu. Chú ý phân bổ thời gian hợp lý để không bỏ sót câu hỏi nào.
Để có kỹ năng giải quyết các câu hỏi tình huống trong đề thi THPT, thì các em hãy tập làm quen với 3 bước. Bước 1, đọc kỹ phần dẫn để xác định: các chủ thể vi phạm (không vi phạm pháp luật); các hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý. Bước 2, đọc kỹ câu hỏi (thường ở cuối phần dẫn) để xác định vấn đề câu hỏi đề cập đến, tránh để phần dẫn của câu hỏi làm cho bị nhiễu. Bước 3, loại trừ những chủ thể, hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý mà câu hỏi không đề cập đến và cuối cùng là chọn đáp án đúng.
Nguồn: Thanh Niên